Nới room không phải là phương thuốc thần

“Nới room là một chính sách vô cùng cần thiết để tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, cũng không nên kỳ vọng đây là một phương thuốc thần để bất cứ một cổ phiếu nào trong thị trường chứng khoán (TTCK) đều tăng giá”.

 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã bình luận như vậy về tác động của quyết định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài với TTCK.

              


Ông Nguyễn Duy Hưng 

Ông Nguyễn Duy Hưng
           

PV: Thưa ông, các số liệu công bố cho thấy kinh tế vĩ mô đang chuyển biến rất tốt, đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, TTCK dường như không có phản ứng cùng chiều với các yếu tố tích cực này. Theo ông, nguyên nhân là vì sao?

- Ông Nguyễn Duy Hưng: Ba năm trở lại đây, tư duy phát triển kinh tế ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Khoảng 10 năm trước, chúng ta chủ yếu đầu tư vào tài sản, làm nâng giá tài sản, nghĩa là đầu tư vào những thứ không sinh ra của cải vật chất. Ví dụ như đầu tư vào các dự án bất động sản, ngân hàng, cổ phiếu, cổ phần… Những gì giúp chúng ta gặt hái thành quả lúc đó là những con số không mang lại của cải vật chất. Ngay cả ở các công ty niêm yết lớn trên TTCK hiện nay, tỷ trọng đầu tư bất động sản và ngân hàng cũng rất lớn. 

Ngày hôm nay, khi nói rằng kinh tế tăng trưởng tức là chúng ta nói đến sự tăng trưởng đáng kể ở sản xuất kinh doanh. Mà những công ty đó, cổ phiếu đó không chiếm tỷ trọng lớn, không ở trong rổ các công ty chiếm thị phần lớn của VN-Index. Nói cách khác là TTCK Việt Nam chưa hoàn toàn là đại diện cho nền kinh tế theo một tỷ lệ chính xác, kể cả ở danh mục đầu tư của các công ty đang niêm yết. Đó là nguyên nhân mà TTCK chưa phản ứng tương thích với những kết quả tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã công bố. 

PV: Một trong các mục tiêu vĩ mô của năm nay có tác động đến TTCK là hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện mục tiêu này?  


- Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi không đánh giá việc cổ phần hóa một cách duy ý chí. Hiện nay chủ trương chung của chúng ta là cổ phần hóa, không giữ lại nhiều DNNN. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta đừng đòi hỏi tốc độ quá nhanh mà hãy để thị trường điều tiết. Những gì mà Chính phủ đã mở ra, đã nêu chủ trương, tôi cho là đủ. Còn lại hãy để thị trường định đoạt, kể cả giá bán hay tỷ lệ bán. Điều quan trọng hơn là hãy xác lập một mặt bằng minh bạch giữa DNNN, DN cổ phần, DN nước ngoài… tất cả đều hoạt động trên cơ chế công khai, bình đẳng.

PV: Chính phủ đã có quyết định quan trọng về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông đánh giá thế nào về tác động của quyết định này với thị TTCK?

- Ông Nguyễn Duy Hưng: Khi xây dựng chính sách, điều quan trọng là tạo môi trường công bằng, lôi cuốn được nhiều nhà đầu tư tham gia một cách bình đẳng vào bất cứ thị trường nào, trong đó có TTCK. Khi các nhà đầu tư không bị giới hạn, phân biệt giữa trong nước và nước ngoài, thì lượng tiền đổ vào TTCK, nhất là ở những công ty đang bị chặn room sẽ tăng lên. Đây là một chính sách vô cùng cần thiết để tăng thanh khoản cho thị trường, từ đó dẫn dắt thị trường lên một tầng mới. Tuy nhiên, cũng không nên kỳ vọng đây là một phương thuốc thần để bất cứ một cổ phiếu nào trong TTCK đều tăng giá. Vì số lượng DN chật room ở Việt Nam không nhiều, ngay cả những DN đó dù mở hết room thì lượng tiền vào cũng sẽ không quá lớn, không tạo sự thay đổi cán cân trên TTCK. 

PV: Đối với các công ty chứng khoán nói riêng, việc nới room sẽ tác động thế nào đến lộ trình phát triển của họ?

- Ông Nguyễn Duy Hưng: Không có một chính sách nào giúp mọi công ty phát triển như nhau, mà phụ thuộc vào từng DN. Có những DN tận dụng cơ hội để thu hút nguồn lực tài chính, trí tuệ, tạo sức mạnh cổ đông… Có những DN thì phải chống đỡ lại cơ hội, để tránh bị thâu tóm. Vì vậy, sẽ không có câu trả lời chung cho mọi DN. Nhưng riêng với SSI, chúng tôi coi đây là cơ hội. 

PV: Với những yếu tố thuận lợi về vĩ mô hiện nay, ông đánh giá thế nào về triển vọng thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam? 

- Ông Nguyễn Duy Hưng:
 Đánh giá về dòng vốn, phải nhìn quy mô lớn hơn. Cách đây hai năm, khó thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài khi bàn về việc huy động vốn. Tuy nhiên hiện nay, so sánh với các thị trường trong khu vực, Việt Nam có những thuận lợi rõ ràng. Những gì Chính phủ đã nhìn nhận, những kết quả đã thực hiện hôm nay là điều mơ ước cách đây 10 năm, kể cả về kinh tế, về nhận thức của người dân. Lực lượng trong nước (local partner) của chúng ta đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Ngày xưa, rất ít người Việt Nam không có khả năng tiêu được 1 tỷ USD, nhưng nay nhiều người Việt Nam có thể tiêu 1 tỷ USD một cách có hiệu quả. Trong khi nhiều nước trong khu vực đang có vấn đề, tôi cho rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới sẽ tốt, trừ khi có sự cố ngoài mong muốn. 

PV: Xin cảm ơn ông!